Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) giáp biên với nước bạn Lào, qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Địa bàn phức tạp nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đây gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự chung sức của mọi tầng lớp nhân dân, Hương Sơn đang tiến đến đích huyện NTM.

Xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới Hương Sơn
Mô hình chăn nuôi lợn rừng tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).

Biến khó khăn thành lợi thế

Khó khăn lớn nhất ở Hương Sơn trong xây dựng NTM là địa hình rộng, cả huyện và xã đều cần nguồn lực lớn để hoàn thiện tiêu chí giao thông. Mục tiêu biến khó khăn thành lợi thế, đất sản xuất chủ yếu là đất rừng, người dân đã biến những đồi đất khô cằn thành những mô hình kinh tế vườn đồi trù phú.

Ông Trần Nam Giang, Bí thư chi bộ thôn 10, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn cho biết, thôn có diện tích rộng nhất xã, mật độ dân số thưa thớt, khó khăn lớn nhất của thôn đó là mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Thế nhưng, bằng cách tuyên truyền, vận động linh hoạt, thôn đã hóa giải được khó khăn, xây dựng thành công khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Năm 2021, nhân dân thôn 10 đã làm được 1,5 km đường, hiến hơn 15.000 m2 đất để mở rộng đường, từ chỗ chỉ rộng 2-3 m, hiện nay 100% đường trục thôn đều bê tông hóa rộng từ 5 m trở lên, hệ thống hàng rào xanh, rãnh thoát nước đồng bộ. Tiêu biểu như hộ ông Lê Văn Hiệu hiến hơn 1.000 m2, ông Trần Văn Sự hiến 250 m2 đất… Đặc biệt, hộ ông Trần Văn Cấp hiến gần 1.000 m2 đất cho thôn mở rộng khuôn viên khu thể thao, nhà văn hóa. “Sự đồng lòng, hiệp lực của mọi tầng lớp nhân dân chính là chìa khóa cho sự thành công trong xây dựng NTM” - ông Nam nói.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, ông Nam đã xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, quy mô 200 con. Ông còn liên kết với các hộ dân trong thôn thành lập tổ hợp tác nông nghiệp tuần hoàn, quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại thức ăn tự nhiên, thảo dược. Vườn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho rau, xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo mô hình composit, sản xuất tuần hoàn theo chu trình khép kín. Đồng thời sản xuất các sản phẩm từ lợn rừng đạt chuẩn OCOP. Từ những mô hình này, thôn 10 định hướng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái,…

Cũng tại xã Sơn Trường - xã thứ 2 của huyện Hương Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao, mô hình “khu dân cư thông minh” đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đã hình thành và phát huy tác dụng, giúp bảo vệ an toàn cho khu dân cư. Đặc biệt, mô hình còn góp phần giúp người dân địa phương bán nông sản trên hệ thống sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Hảo, Trưởng thôn 9 cho hay, mỗi hộ dân có một mã QR, chỉ cần quét mã lên hệ thống, du khách có thể thấy trực tiếp hộ nào có đặc sản gì, tình trạng đặc sản, số lượng, quy mô vườn hộ bằng hệ thống camera thông minh. Mô hình thực sự phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh trật tự. “Nông sản của người dân trong thôn 9 như cam chanh, quýt đường… chủ yếu bán trên mạng, khách chỉ cần vài cú nhấp chuột là có người giao hàng đưa đến tận nhà” - ông Hảo thông tin.

Giai đoạn nước rút

Năm 2021 là thời điểm “chạy nước rút” để huyện Hương Sơn về đích huyện NTM. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bủa vây, buộc cả hệ thống chính trị phải thay đổi chiến lược để hoàn thành mục tiêu đề ra. Ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư Huyện ủy Hương Sơn cho biết: Từ 2 ca F0 sau đó huyện có tới 21 trường hợp F0, phải cách ly 6 thôn, cụm dân cư của 5 xã, thị trấn trên địa bàn. Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, huyện vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Hương Sơn tăng cường kêu gọi nguồn lực thông qua MTTQ và các tổ chức đoàn thể, toàn huyện đã huy động hơn 6 tỷ đồng để trang bị nhu yếu phẩm, hỗ trợ bữa ăn cho các khu cách ly, bệnh viện điều trị người nhiễm Covid-19…

“Để đảm bảo tiến độ xây dựng NTM, huyện phải thay đổi chiến lược, tận dụng tối đa thời gian để thực hiện các tiêu chí. Trong thời gian giãn cách không huy động lực lượng chung mà phát động từng hộ dân tập trung cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ, thu gom xử lý rác thải… Nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay, huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí”- ông Sâm nói.           

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn Nguyễn Thành Đồng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể không chỉ tuyên truyền, vận động mà còn trực tiếp xây dựng NTM cùng dân. Mỗi tuần, cán bộ Mặt trận và tổ chức đoàn thể được phân công về khu dân cư xây dựng một công trình. “Chính điều này đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân ở huyện Hương Sơn”- ông Đồng khẳng định.

                                                                                                         Theo báo Đại Đoàn kết.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 374.080
    Online: 3